Marketing gián tiếp: Chiến lược cho doanh nghiệp hiện đại
Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt, người dùng đã bị “bội thực” với các quảng cáo, thông tin marketing. Các hoạt động không những không mang lại hiệu quả mà còn bị phản tác dụng. Hay có thể nói người dùng cảnh giác với các nội dung quảng cáo, truyền thông, marketing.
Từ đó marketing gián tiếp ra đời.
Marketing gián tiếp là gì?
Là một chiến lược mà trong đó doanh nghiệp không trực tiếp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ hay các thông tin bán hàng rõ ràng. Thay vào đó, chiến lược này chủ yếu lồng ghép các yếu tố marketing một cách tinh tế trong các hoạt động và nội dung để đạt được mục tiêu lâu dài, như tạo dựng thương hiệu, nâng cao nhận thức và gắn kết với khách hàng mà không cần phải bán hàng ngay lập tức.
Ưu điểm của marketing gián tiếp là gì?
Không gây khó chịu đối với người được tiếp cận
Không như quảng cáo trực tiếp, marketing gián tiếp khéo léo lồng ghép những quảng cáo thu hút sự chú ý mà không làm phiền người xem. Người dùng đã quen với mô típ và nội dung quảng cáo ít sáng tạo dẫn đến sự nhàm chán và khó chịu, họ chỉ lướt qua khi thấy quảng cáo hiện lên. Vì thế lồng ghép những hình ảnh quảng cáo thông qua những câu chuyện, những bộ phim truyền hình,.. tránh tạo cảm giác quảng cáo lặp đi lặp lại, thu hút người xem hơn.
Tạo ra giá trị bền vững và lâu dài nếu thành công
Vì Marketing gián tiếp tập trung vào việc xây dựng nhận thức và sự yêu thích đối với thương hiệu nên thường mang lại lượng khách hàng trung thành lâu dài. Thay vì nhận những lời mời mua hàng đơn thuần, khách hàng được hòa mình vào một chiến dịch đầy cảm xúc và sáng tạo. Chẳng hạn, một nhãn hàng mỹ phẩm có thể tạo nên câu chuyện kết nối văn hóa, môi trường và làm đẹp bền vững qua từng sản phẩm. Mỗi lần khách hàng sử dụng, họ không chỉ dùng một món đồ mà còn cảm nhận được giá trị mà thương hiệu gửi gắm.
Tạo sự thú vị cho doanh nghiệp nếu có chiến thuật phù hợp
Các doanh nghiệp marketing gián tiếp biến mỗi chiến dịch thành trải nghiệm đáng nhớ luôn đổi mới cho từng chiến dịch kết hợp sự sáng tạo, cảm xúc và tương tác tự nhiên. Điều này giúp doanh nghiệp nổi bật trong thị trường cạnh tranh và để lại dấu ấn đậm sâu.
Có khả năng lan toả cao
Những nội dung hoặc thông điệp từ marketing gián tiếp thường mang tính cảm xúc đánh vào tâm lý người tiêu dùng hoặc rất thực tế và hữu ích, khiến khách hàng tự nguyện chia sẻ với cộng đồng của họ. Điều này giúp thương hiệu lan tỏa mạnh mẽ mà không cần chi quá nhiều ngân sách cho quảng cáo trực tiếp.
Tối ưu trải nghiệm người dùng
Bằng cách cung cấp nội dung thiết thực luôn đặt mục tiêu hướng đến khách hàng hoặc giải pháp cho vấn đề của khách hàng, marketing gián tiếp giúp họ cảm thấy được quan tâm và coi trọng. Thay vì bị cuốn vào quảng cáo bán hàng cứng nhắc, bạn nhận được giải pháp hữu ích và phù hợp với nhu cầu cá nhân.
Dễ dàng chạm đến cảm xúc người dùng
Marketing gián tiếp dễ dàng chạm đến cảm xúc người dùng vì nó không chỉ đơn thuần truyền tải thông điệp mà còn khéo léo kết nối với tâm hồn của họ qua những câu chuyện hay hoạt động ý nghĩa. Những nội dung được xây dựng với cảm hứng, hài hước hoặc gắn liền với giá trị cộng đồng thường khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ, khiến khách hàng không chỉ nhớ đến thương hiệu mà còn thấy bản thân mình trong câu chuyện đó.
Nhược điểm của marketing gián tiếp là gì?
Đòi hỏi nhiều thời gian triển khai
Vì tập trung vào giá trị dài hạn, marketing gián tiếp cần thời gian để xây dựng niềm tin và nhận thức thương hiệu, khiến doanh nghiệp khó đo lường kết quả ngay lập tức. Với những doanh nghiệp muốn tăng doanh số ngay lập tức, marketing gián tiếp không phải lựa chọn tối ưu.
Khó đo lường
Không giống như quảng cáo trực tiếp, marketing gián tiếp khó để đánh giá được phản hồi ngay lập tức của khách hàng. Nó tiếp cận mục tiêu khách hàng đại chúng, không hướng tới khách hàng mục tiêu cụ thể nên khó có thể đo lường được.
Khó khăn trong việc lập kế hoạch và thống nhất triển khai
Marketing gián tiếp mang lại giá trị dài hạn nên đòi hỏi doanh nghiệp phải sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong việc lập kế hoạch, đầu tư và triển khai. Để giảm bớt rủi ro, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị sẵn sàng về tài chính cũng như thời gian. Nên doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp mới thành lập không dám mạo hiểm đầu tư.
Cần đầu tư nhiều chất xám để xây dựng ý tưởng
Để tạo ra nội dung vừa hấp dẫn, vừa phù hợp với thông điệp thương hiệu không phải dễ dàng. Doanh nghiệp cần đầu tư nhiều tài nguyên và nhân lực vào xây dựng ý tưởng.
Dễ bị hiểu lầm
Vì marketing gián tiếp không truyền tải thông điệp bán hàng rõ ràng, khách hàng có thể hiểu sai hoặc thậm chí không nhận ra mục tiêu của chiến dịch. Điều này khiến chiến lược không đạt được hiệu quả mong muốn và trở thành một khoản đầu tư lãng phí.
Một số ví dụ thực tế áp dụng Marketing gián tiếp thành công
Bitis Hunter - Đi để trở về
“Đi để trở về” có lẽ là một trong những chiến dịch truyền thông thành công và được nhắc đến nhiều nhất của một nhãn hàng Việt Nam. Nhờ những câu chuyện đánh trực tiếp vào cảm xúc của đối tượng mục tiêu với việc kết hợp tìm ra một insight vô cùng ý nghĩa “Đi để trở về”. Cứ mỗi dịp Tết mọi người lại luôn nhớ tới Bitis Hunter qua các MV.
Generali - Sống Như Ý
Năm 2020, “Sống Như Ý” của Generali chào sân với khán giả Việt trong phim Tết với thông điệp “Được cười khi ta vui, khóc khi ta thấy buồn, ai cũng được sống như ý mình”. Với Generali, nhãn hàng đã chọn hướng khai thác bằng cách kể từng câu chuyện nhỏ, thông điệp dễ nhớ, dễ cảm, đặc biệt gắn liền với những vấn đề xã hội. Nhờ vậy, Generali được biết đến nhiều hơn như một thương hiệu song hành và thấu hiểu tâm tư người Việt.
Grab kỷ niệm 10 năm
Với TVC “Cảm ơn đã để chúng tôi đi cùng bạn”, Grab tập trung vào câu chuyện thật của người dùng và tài xế, khéo léo truyền tải thông điệp gần gũi về sự đồng hành trong cuộc sống. Điều này giúp Grab củng cố hình ảnh một thương hiệu luôn gắn bó và quan tâm đến cộng đồng.
Ứng dụng Marketing gián tiếp vào thực tế
Tạo nội dung giá trị: Để có được nội dung giá trị trong marketing gián tiếp doanh nghiệp nên làm về quảng cáo về mảng viết blog, làm video hướng dẫn hoặc chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng liên quan đến ngành.
Ví dụ: Một công ty mỹ phẩm có thể sản xuất video hướng dẫn make up cho người mới bắt đầu.
Tận dụng mạng xã hội: Thay vì đăng bài viết bán hàng, hãy chia sẻ những nội dung thú vị hoặc tương tác với người theo dõi. Tạo sự thu hút với khách hàng mà họ không cảm giác quá tải, quá nhiều thông tin quảng cáo trong đó.
Ví dụ: Tổ chức minigame, tạo hashtag hoặc đăng các câu chuyện khách hàng cảm động.
Chương trình CSR (Trách nhiệm xã hội): Hình thức marketing này nhằm để gắn kết chiến lược kinh doanh với các hoạt động cộng đồng để tạo thiện cảm, lấy được cảm tình. Vừa ý nghĩa lại còn nâng cao ý thức cộng đồng, tạo ấn tượng đối với khách hàng thông qua các hoạt động ý nghĩa.
Ví dụ: Tôn Hoa Sen tổ chức chương trình “Mái ấm gia đình” đã giúp đỡ rất nhiều nhà có hoàn cảnh khó khăn, nhờ đó đã chạm tới trái tim của người xem và mang tính nâng văn rất cao.
Truyền thông sáng tạo: Dạo gần đây việc lồng ghép thương hiệu vào phim ngắn, chương trình thực tế hoặc các câu chuyện đang rất thịnh hành, tạo dựng sự tin tưởng đối, làm tăng sự tiếp cận của doanh nghiệp đối với khách hàng.
Ví dụ: Tài trợ cho Chương Trình 2N1Đ và đưa các thực phẩm của mình vào các bữa ăn để tăng độ nhận diện.