Đặc thù của các vị trí nhân sự marketing
Trong lĩnh vực cần nhiều sự sáng tạo và luôn phát triển không ngừng thì đòi hỏi các ứng viên phải sở hữu cho mình những kỹ năng và các tố chất phù hợp cho từng vị trí trong phòng marketing. Thông qua bài viết này chúng tôi sẽ giúp bạn khám phá những đặc thù của một số vị trí marketing để bạn có thể định hướng và lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp.
1. Content marketing
Là vị trí quan trọng trong mọi chiến dịch marketing .Khách hàng rất dễ "nhạy cảm" với những nội dung không tốt, việc lựa chọn ra một thương hiệu "ruột" cho bản thân rất khó, nhưng để "tẩy chay" lại rất dễ. Chỉ cần nội dung của bạn cung cấp mang lại ý nghĩa tiêu cực hay không lành mạnh sẽ bị khách hàng quay lưng. Nên việc đầu tư vào những nội dung lành mạnh hay mang tính giải quyết các vấn đề cho khách hàng là cách thức thu hút và giữ chân khách hàng tốt nhất.
Để có thể đưa ra những nội dung mang tính sáng tạo, đổi mới thì người làm content cần sở hữu cho mình những kỹ năng tốt như: viết lách, sáng tạo và nắm bắt xu hướng. Họ phải biết cách tạo ra nội dung hấp dẫn, có giá trị cho người đọc và đồng thời tối ưu hóa SEO để nâng cao thứ hạng bài viết.
Phẩm chất: sáng tạo, tỉ mỉ và chỉnh chu trong nội dung, khả năng nghiên cứu tốt và hiểu biết sâu rộng về sản phẩm/dịch vụ.
Xem thêm: 10 câu hỏi phỏng vấn vị trí Content Marketing
2. Design
Là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân khách hàng. Người làm thiết kế cần có mắt thẩm mỹ cao, kỹ năng sử dụng tốt các phần mềm thiết kế chuyên nghiệp như Adobe Photoshop, Illustrator,.... Họ phải biết cách tạo ra các ấn phẩm đẹp mắt, độc đáo phù hợp với thông điệp và bản sắc thương hiệu.
Phẩm chất: Khả năng sáng tạo tốt, chi tiết, chịu được áp lực công việc và tiếp nhận phản hồi đóng góp ý kiến
3. Digital
Hay còn gọi là Online marketing, là lĩnh vực tổng hợp nhiều kênh online như mạng xã hội, email và quảng cáo trực tuyến. Người làm digital marketing cần có kỹ năng tư duy sáng tạo và thích nghi với các thay đổi của thị trường, hiểu rõ kiến thức từng kênh, thường xuyên cập nhật các xu hướng mới và biết cách tối ưu hóa chúng để đạt được mục tiêu kinh doanh. Họ phải biết cách sử dụng các công cụ phân tích và quảng cáo, đồng thời có khả năng xây dựng chiến lược marketing toàn diện.
Phẩm chất: Kỹ năng biên tập các nội dung hữu ích, sáng tạo, chiến lược, kỹ năng phân tích và quản lý thời gian hiệu quả.
4. SEO
SEO là viết tắt cụm từ “search engine optimization” Để nội dung của bạn lọt vào”mắt xanh” của người dùng thì công cụ quan trọng nhất không thể thiếu đó là SEO, là tập hợp các kỹ thuật nhằm tối ưu hóa trang web để xếp hạng cao hơn trên kết quả tìm kiếm của Google và các công cụ tìm kiếm khác.
Người làm SEO cần có kiến thức sâu rộng về các thuật toán tìm kiếm, kỹ thuật tối ưu hóa on-page và off-page, cũng như kỹ năng viết và sáng tạo nội dung chuẩn SEO. Họ phải liên tục cập nhật các thay đổi từ Google và các công cụ tìm kiếm khác để quá trình tối ưu website trở nên dễ dàng hơn.
Phẩm chất: Tỉ mỉ, kiên nhẫn, khả năng phân tích, tư duy sáng tạo và học hỏi liên tục.
5. Trade marketing (Tiếp thị thương mại)
Khác với các chiến lược marketing thông thường, Trade marketing tập trung vào việc thúc đẩy bán hàng tại các điểm bán lẻ. Người làm trade marketing cần có khả năng phân tích thị trường, kỹ năng giao tiếp tốt để hiểu rõ hành vi mua sắm của khách hàng và xây dựng các chương trình khuyến mãi hiệu quả. Ngoài ra, họ phải có những kỹ năng khác như quản lý tốt dự án để giám sát và làm việc chặt chẽ với đội ngũ bán hàng để đảm bảo sản phẩm được trưng bày và bán ra hiệu quả.
Phẩm chất: Chiến lược sáng tạo, chi tiết, khả năng giao tiếp, ra quyết định và đàm phán tốt.
6. Media
Là lĩnh vực quản lý và tối ưu hóa việc sử dụng các kênh truyền thông. Người làm media cần có kỹ năng giao tiếp tốt, biết lắng nghe và quan sát, khả năng lập kế hoạch và kỹ thuật số. Họ phải biết cách tối ưu hóa ngân sách quảng cáo và đo lường hiệu quả chiến dịch.
Phẩm chất: Kỹ năng phân tích, quản lý ngân sách, khả năng đàm phán, xử lý vấn đề và am hiểu về các kênh truyền thông.