7 Hoạt Động PR Phổ Biến Và Cách Sử Dụng Hiệu Quả
I. PR là gì và vai trò của PR
Định nghĩa
PR (Public Relation) có nghĩa là quan hệ công chúng, chủ yếu xoay quanh các hoạt động quảng bá, truyền thông hầu như về tất cả mọi thứ: con người, sản phẩm, doanh nghiệp,... nhằm xây dựng mối quan hệ tốt với công chúng: khách hàng, báo chí, nhà đầu tư, chính phủ,...
Vai trò
PR đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu và duy trì sự uy tín, chuyên nghiệp của doanh nghiệp muốn hướng tới cũng như bổ trợ các hoạt động Marketing khác. Bên cạnh đó, PR cũng giúp xoa dịu và kiểm soát dư luận trước các khủng hoảng truyền thông không mong muốn.
II. Các hoạt động PR phổ biến và cách sử dụng hiệu quả
Thông cáo báo chí (Press Release)
Thông cáo báo chí là công cụ được sử dụng để thông báo về các thông tin quan trọng về sản phẩm, chiến lược, thay đổi hay xử lí vấn đề đến giới truyền thông, khách hàng. Mục đích của thông cáo báo chí là tạo sự chuyên nghiệp, uy tín và thu hút sự chú ý của công chúng từ đó tăng cường độ nhận diện thương hiệu.
Để làm một thông cáo báo chí hiệu quả cần phải đáp ứng được cả nội dung và hình thức trình bày:
Nội dung phải đảm bảo đầy đủ và truyền đạt đúng thông tin cần thiết, đúng với mục tiêu mà doanh nghiệp đang hướng tới; xúc tích, tránh lan man, tiêu đề hấp dẫn được người đọc.
Hình thức phải được trình bày rõ ràng, phân ra từng hạng mục và đặc biệt phải có hành động kêu gọi (call to action) để vận động công chúng.
Báo chí, tạp chí
Báo chí, tạp chí (gồm cả truyền thống và điện tử) như là người bạn đồng hành với thông cáo báo chí. Với thông cáo báo chí là truyền thông từ doanh nghiệp thì báo chí, tạp chí là truyền thông từ bên ngoài doanh nghiệp. Kết hợp hai cái sẽ tạo nên sự lan tỏa thông tin tốt hơn, giúp công chúng có thể nhận biết đến thương hiệu dễ hơn.
Tuy vậy, để sử dụng công cụ này hiệu quả, doanh nghiệp cần lưu ý những điều sau:
Lựa chọn tựa báo, tạp chí có tiếng hoặc ít nhất uy tín và phù hợp với doanh nghiệp, không lựa chọn các báo lá cải.
Đối với trường hợp trả lời với cánh báo chí, người đại diện cần chú ý phát ngôn, tránh sai sót vì có thể dẫn đến các hậu quả khó lường, bị lợi dụng.
Tổ chức sự kiện
Sự kiện ở đây có thể là sự kiện quảng bá những gì mới của doanh nghiệp (sản phẩm, chiến dịch,...) hoặc là sự kiện tri ân các đối tác, khách hàng,... Hoạt động này vừa giúp doanh nghiệp tạo cơ hội cho nhiều người tham gia, nhận biết đến thương hiệu nhiều hơn vừa duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các bên liên quan.
Khi tổ chức sự kiện, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý:
-
Chuẩn bị kĩ càng nội dung và hình thức tổ chức hấp dẫn, đảm bảo điều kiện tổ chức mang lại trải nghiệm tốt nhất có thể cho người tham gia.
-
Lên kế hoạch, giải pháp đối phó với những rủi ro ngoài ý muốn và xử lý nhanh chóng và hợp lí.
Các hoạt động, chiến dịch vì xã hội
CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) đang ngày càng được đề cao và cực kỳ quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Các hoạt động, chiến dịch đem lại giá trị tích cực cho xã hội bao gồm cả yếu tố con người và môi trường mà không vì lợi nhuận rất dễ tạo ấn tượng trong lòng công chúng.
Vì liên quan trực tiếp đến hình ảnh thương hiệu, doanh nghiệp cần cẩn trọng khi thực hiện:
-
Nên hợp tác với một tổ chức cộng đồng uy tín khác để làm chung, như vậy quá trình làm việc được hiệu quả và bền vững hơn
-
Thực hiện đúng cam kết đã đề ra, minh bạch trong hoạt động.
-
Phối hợp với các kênh truyền thông trong và ngoài công ty để tăng mức độ nhận diện và truyền tải thông điệp rộng rãi.
Tài trợ
Bên cạnh các hoạt động xã hội, doanh nghiệp có thể tài trợ (sponsor) để tiếp cận được các khán giả trong chương trình, sự kiện,... đó. Tài trợ không nhất thiết là hiện kim mà có thể là truyền thông, hiện vật, kĩ thuật.
-
Doanh nghiệp cần lựa chọn hoạt động phù hợp với lĩnh vực mình đang kinh doanh để tài trợ như vậy mới tiếp cận được đúng đối tượng mục tiêu.
-
Cân nhắc mức tài trợ phù hợp với ngân sách, cũng như quy mô của doanh nghiệp và chương trình, sự kiện có tương xứng hay không.
Mạng xã hội và Website
Nếu các hoạt động trên thiên về offline, thì mạng xã hội và website lại là trợ thủ đắc lực trên nền tảng trực tuyến nhờ khả năng truyền tải tới bất cứ nơi đầu và khi nào. Doanh nghiệp có thể tận dụng điều này để tối ưu hóa hiệu quả truyền thông.
Để mạng xã hội và website hiệu quả trong PR, doanh nghiệp cần:
-
Có các bài viết hấp dẫn, chuẩn SEO để từ khóa về doanh nghiệp, chiến dịch lên top tìm kiếm
-
Có đa dạng content đặc biệt là video về một câu chuyện truyền cảm hứng, nội dung kích thích tương tác như minigame, challenge,...
Sử dụng Influencers
Việc mời những người nổi tiếng như diễn viên, ca sĩ để PR đã có từ rất lâu, song hiện nay càng được ưa chuộng và đa dạng lựa chọn hơn khi có thêm các nhà sáng tạo nội dung giúp việc truyền thông nội dung thú vị hơn.
Tuy vậy, việc sử dụng Influencers cũng có nhiều rủi ro, để được hiệu quả doanh nghiệp cần chú ý:
-
Lựa chọn Influencers phù hợp với sản phẩm/dịch vụ, không cần phải quá nổi tiếng nhưng có lượng xem và tương tác đều đặn.
-
Tránh thuê các KOL, KOC có hướng nội dung tiêu cực và dính tai tiếng trước đó vì dễ ảnh hưởng ngược đến doanh nghiệp.
Xem thêm: Tăng nhận thức thương hiệu nhờ Influencer Marketing