F2C LÀ GÌ | F2C CÓ THỂ THAY THẾ B2C VÀ B2B
F2C là viết tắt của Factory To Customer hay có thể hiểu là mô hình kinh doanh đưa sản phẩm trực tiếp từ nhà máy, cơ sở sản xuất đến trực tiếp tay người tiêu dùng đầu cuối. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tối đa chi phí ở các khâu trung gian và người dùng có thể được sử dụng sản phẩm chất lượng với giá rẻ mà nhà sản xuất cũng có được lợi nhuận cao hơn.
Ví dụ: 1kg sầu riêng thu mua tại vườn có giá là 60.000đ nhưng khi đến tay người tiêu dùng thì mức giá lên đến 200.000đ.
Vậy chi phí chênh lệch do đâu:
- Có quá nhiều khâu trung gian: từ 1 trái sầu riêng trên cây khi đến tay người tiêu dùng đầu cuối phải thông qua ít nhất là 4-5 khâu trung gian, cụ thể là thương lái, vựa thu mua, chợ đầu mối, cửa hàng/siêu thị bán lẻ
- Chi phí vận chuyển qua các khâu: thay vì vận chuyển trực tiếp đến tay người tiêu dùng và chỉ tốn chi phí 1 lần thì ở đây phải vận chuyển qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ đó làm tăng chi phí 1 cách đáng kể
- Lợi nhuận ở từng giai đoạn trung gian: giả sử lợi nhuận trên giá vốn hàng bán là 20% ở mỗi khâu trung gian và có tất cả 4 khâu trung gian thì từ 60.000đ/kg sầu riêng sẽ có mức giá tăng thứ cấp như sau:
60.000đ ⮕ 72.000đ ⮕ 86.400đ ⮕ 103.680đ ⮕124.416đ
- Chi phí nhân công sử lý hàng hóa ở từng khâu: ở mỗi khâu trung gian cũng cần có nhân công và máy móc để xử lý, từ đó sẽ phát sinh chi phí và người dùng đầu cuối sẽ phải chịu các chi phí phát sinh này.
F2C hình thành do đâu?
1. Công nghệ và internet phát triển
Ngày trước khi mà nhà sản xuất không thể có đủ nguồn lực để “ôm” tất cả các khâu từ nghiên cứu sản phẩm, sản xuất, phân phối, bán lẻ, chăm sóc khách hàng, khuyến mãi, hậu mãi. Điều đó đòi hỏi 1 tiềm lực cực kỳ lớn và xây dựng trong vài chục năm, từ đó mà nhà sản xuất bắt buộc phải thông qua các khâu trung gian, hệ thống đại lý, nhà phân phối để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Nhưng ngày nay thì mọi thứ đều trở nên dễ dàng hơn một cách đáng kể khi có các công cụ, nền tảng hỗ trợ đắc lực như: quảng cáo (facebook ads, Google ads), các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Amazon, Ebay, Alibaba…), các kênh marketing (website, social…). Tất cả các hình thức vừa nêu hiện tại đều rất dễ sử dụng và tiếp cận với bất kỳ ai, vì vậy các rào cản về vị trí địa lý, truyền tải thông tin đều bị phá vỡ.
2. Các dịch vụ vận chuyển phát triển mạnh
Ngày nay việc giao 1 đơn hàng đi cực kỳ đơn giản, chỉ cần ngồi tại nhà tải app của 1 đơn vị vận chuyển, điền thông tin và xác minh tài khoản. Sau đó nhà sản xuất có thể lên đơn hàng và shipper sẽ đến tận nhà lấy đơn hàng cần giao cho dù số lượng, khối lượng như thế nào.
Từ điều vừa nêu thì các nhà sản xuất hoàn toàn có thể chủ động việc vận chuyển hàng hoá đến trực tiếp người tiêu dùng đầu cuối mà không phải chịu các chi phí về vận chuyển, tài xế…
Thậm chí các vấn đề như bảo quản hàng hoá, thời gian vận chuyển đều được đơn vị vận chuyển đảm bảo.
3. Người tiêu dùng thông minh hơn
Người dùng hiện tại đã có nhiều kiến thức hơn trước rất nhiều, điều này đến từ việc cập nhập công nghệ mới và tính minh bạch của thông tin.
Người dùng hoàn toàn có thể tìm được được giá bán ra tại nhà máy của 1 sản phẩm là bao nhiêu, hay họ có thể liên hệ trực tiếp nhà sản xuất để yêu cầu mua sản phẩm.
F2C có thể thay thế hoàn toàn B2B và B2C hay không?
Việc F2C thay thế B2B và B2C chắc chắn là không thể, mà đây sẽ là một mô hình kinh doanh mới. Hay có thể hiểu trong những năm tới thì cả 3 mô hình kinh doanh này sẽ song song cùng tồn tại.
Dĩ nhiên, khi có 1 mô hình kinh doanh mới xuất hiện thì các mô hình kinh doanh cũ sẽ bị ảnh hưởng và chia sẻ thị phần. Rất khó để dự báo mức độ ảnh hưởng như thế nào.
Nhưng hiện tại đã có rất nhiều mô hình kinh doanh B2B bắt đầu ngấm đòn. Ví dụ các khu chợ đầu mối với mô hình là B2B bị ảnh hưởng nặng nề. Trước đây khi các tiểu thương/doanh nghiệp có thể nhận hàng hoá từ các xưởng sản xuất, nhà máy sản xuất và bày bán tại các khu chợ, nhưng cửa hàng nhỏ lẻ sẽ đến đây để lấy hàng về bán lại cho người tiêu dùng đầu cuối. Nhưng hiện nay, những cửa hàng đầu cuối hay thậm chí là chính khách hàng đầu cuối có thể liên hệ trực tiếp đến nhà sản xuất để mua “1 sản phẩm” với mức giá rẻ chỉ bằng 30% 40% so với trước đây
Những sản phẩm với mô hình kinh doanh cũ dễ dàng bị thay thế bởi F2C nếu có những đặc điểm sau:
- Sản phẩm vật lý nhỏ gọn
- Không quá phức tạp ở khâu vận chuyển
- Không đòi hỏi nhiều kỹ thuật để bán và sử dụng sản phẩm
Những ngành hàng dễ tiếp cận với mô hình F2C
- Thời trang
- Mỹ phẩm
- Thực phẩm
- Dụng cụ gia dụng
- Đồ nội thất
- Đồ uống