Cách Tạo Và Lựa Chọn Bảng Màu Cho Thương Hiệu
Màu sắc không chỉ là yếu tố thẩm mỹ, mà còn là một công cụ quan trọng giúp truyền tải thông điệp và tạo ra bản sắc cho thương hiệu. Một bảng màu được lựa chọn kỹ lưỡng sẽ không chỉ giúp thương hiệu trở nên dễ nhận diện mà còn kết nối với khách hàng. Bài viết này sẽ cung cấp cách tạo ra một bảng màu không chỉ bắt mắt hiệu quả trong việc truyền tải thông điệp thương hiệu.
1. Màu sắc tác động đối với khách hàng
Màu sắc có khả năng tác động mạnh mẽ đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Hiểu rõ đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn là ai, họ thích gì, từ đó lựa chọn màu sắc phù hợp sẽ giúp thương hiệu dễ dàng chinh phục trái tim người tiêu dùng.
Theo nghiên cứu, có tới 85% người tiêu dùng cho biết màu sắc là yếu tố chính thúc đẩy họ quyết định mua một sản phẩm. Điều này cho thấy việc chọn đúng bảng màu cho thương hiệu không chỉ giúp tăng cường nhận diện mà còn tác động trực tiếp đến hành vi tiêu dùng.
2. Tiêu chí lựa chọn màu
Theo tính cách thương hiệu
Màu sắc là cách nhanh nhất để truyền tải bản sắc thương hiệu. Mỗi thương hiệu có một tính cách riêng, và màu sắc sẽ là công cụ mạnh mẽ để diễn tả nó.
Thương hiệu mạnh mẽ, năng động
Sử dụng các gam màu nóng như đỏ, cam, vàng sẽ truyền tải sự phấn khích, nhiệt huyết và năng động. Ví dụ, thương hiệu xe hơi Ferrari chọn màu đỏ để thể hiện sự tốc độ và đam mê.
Thương hiệu cao cấp, tinh tế
Các thương hiệu sang trọng thường sử dụng màu trung tính như đen, trắng, vàng kim để gợi sự thanh lịch và đẳng cấp. Ví dụ, Chanel với sắc đen và trắng đã trở thành biểu tượng của sự sang trọng và quyền lực trong ngành thời trang.
Theo Insight của khách hàng mục tiêu
Một yếu tố quan trọng khác khi chọn bảng màu là sở thích và thói quen của khách hàng mục tiêu. Để thương hiệu thực sự gây ấn tượng với khách hàng, bảng màu phải phù hợp với Insight của khách hàng
Ví dụ: khách hàng nữ thường bị thu hút bởi những tông màu nhẹ nhàng như pastel, hồng nhạt, hoặc xanh lam, trong khi khách hàng nam lại có xu hướng thích những màu mạnh mẽ như đen, xám, hoặc xanh dương đậm.
Lựa chọn theo sự liên quan đến sp/dv
Bảng màu cũng nên phản ánh đúng lĩnh vực mà thương hiệu đang hoạt động. Mỗi ngành nghề thường có những màu sắc phù hợp để tạo sự liên kết trực tiếp với sản phẩm hoặc dịch vụ.
Lấy ví dụ về ngành F&B Các màu như đỏ, cam, vàng thường được sử dụng để kích thích cảm giác thèm ăn, ví dụ như KFC, Pizza Hut. Trong khi đó, các thương hiệu về chăm sóc sức khỏe và làm đẹp thường chọn màu xanh lá cây hoặc màu trắng để truyền tải sự an toàn, tinh khiết.
Theo sở thích cá nhân
Mặc dù không phải yếu tố quyết định, nhưng sở thích cá nhân của người sáng lập đôi khi cũng có thể ảnh hưởng đến bảng màu. Đôi khi, sự khác biệt này lại tạo nên điểm nhấn độc đáo cho thương hiệu. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng sở thích cá nhân không xung đột với hình ảnh và thông điệp của thương hiệu.
Theo phong thuỷ
Đặc biệt đối với các doanh nghiệp tại châu Á, phong thủy đóng vai trò không nhỏ trong việc lựa chọn màu sắc. Mỗi mệnh trong ngũ hành đều có những màu sắc phù hợp, có thể mang lại sự hài hòa và may mắn cho doanh nghiệp.
- Mệnh Kim: Nên sử dụng màu trắng, xám, bạc để thúc đẩy sự phát triển và giàu có.
- Mệnh Mộc: Xanh lá cây, nâu sẽ giúp tăng cường sự sáng tạo và sinh khí.
- Mệnh Hỏa: Đỏ, hồng sẽ giúp gia tăng sự quyết đoán và năng lượng.
3. Lưu ý lựa chọn màu cho thương hiệu
Tránh trùng màu với các thương hiệu khác
Điều tối kỵ khi chọn màu sắc cho thương hiệu là để nó bị trùng lặp hoặc quá giống với các cạnh tranh của đối thủ. Nếu bảng màu của bạn quá giống với đối thủ cạnh tranh, thương hiệu của bạn sẽ dễ bị nhầm lẫn và khó tạo dấu ấn riêng. Trước khi chọn bảng màu, bạn nên khảo sát qua màu sắc của các đối thủ trong cùng lĩnh vực để tránh trùng lặp không mong muốn.
Hạn chế sử dụng quá nhiều màu nóng
Màu nóng như đỏ, cam, vàng có thể tạo ấn tượng mạnh nhưng cũng dễ gây mệt mắt nếu sử dụng quá nhiều.
Thay vào đó, hãy cân nhắc sử dụng màu nóng làm điểm nhấn và kết hợp với các màu trung tính hoặc lạnh để tạo sự cân bằng, giúp người xem cảm thấy dễ chịu hơn khi nhìn vào thương hiệu của bạn.
Đảm bảo bảng màu được cân bằng
Sự cân bằng trong bảng màu là yếu tố để mang lại hiệu quả truyền thông cho thương hiệu. Để tạo ra một bảng màu gồm màu chính, màu phụ và màu nhấn cho thương hiệu. Do đó, cần chú ý đến các yếu tố khác nhau của màu sắc như độ sáng, độ bão hòa.
Một bảng màu cân bằng là khi các màu sắc kết hợp với nhau một cách tự nhiên, không gây xung đột và tạo nên sự hài hòa tổng thể
Đảm bảo tính đa dụng và linh hoạt
Bảng màu của thương hiệu cần phải đảm bảo được tính linh hoạt, hiển thị trên các thiết bị khác nhau. Bên cạnh đó có thể sử dụng được trên nhiều nền tảng như logo, bao bì, website, in ấn. Chẳng hạn đảm bảo chuyển đổi chính xác từ RGB sang CMYK và màu sắc tự nhiên khi sử dụng quảng cáo ngoài trời.
4. Một số công cụ phối màu
Color hunt
Công cụ phối màu và tìm kiếm các mã màu từ màu pastel đến cac gam màu nóng. Đây là công cụ được dân design ưu chuộng sử dụng
Adobe Color
Adobe Color là một trong những công cụ phối màu phổ biến và mạnh mẽ nhất. Nó cho phép người dùng tạo và tìm kiếm các bảng màu dựa trên các quy tắc phối màu khác nhau như màu đơn, màu tương phản, hay màu tương tự.
Coolors
Coolors là một công cụ đơn giản giúp bạn tạo ra các bảng màu bằng cách tự động phối màu hoặc tùy chỉnh theo ý thích.
Xem thêm: Vai Trò Của Khoảng Trắng Trong Thiết Kế