Thời điểm triển khai PR Marketing hiệu quả cho doanh nghiệp
PR Marketing là một trong nhiều hoạt động truyền thông quan trọng nhằm kết nối với khách hàng, xây dựng hình ảnh tích cực trong tâm trí người tiêu dùng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy doanh thu,...
Thời điểm nên triển khai các hoạt động PR Marketing
Ra mắt sản phẩm, dịch vụ mới
Khi công ty tạo ra một sản phẩm, dịch vụ mới sẽ triển khai hoạt động PR để tạo sự chú ý đến khách hàng, thu hút khách hàng mới. Tháng 7/2024 Vinfast cho ra mắt dòng sản phẩm mới là VinFast VF8 Lux 2024.
Ra mắt thị trường
Khi một thương hiệu vừa ra mắt thị trường sẽ có buổi họp báo khai trương nhằm tạo sự chú ý, thu hút khách hàng ban đầu và xây dựng hình ảnh thương hiệu.
Ví dụ 1 cơ sở thẩm mỹ viện, spa vừa khai trương đầu tiên sẽ mở họp báo khai trường, sau đó kết hợp nhiều hoạt động khác thu hút như mời người nổi tiếng, KOLs đến tham dự, kết hợp các chương trình khuyến mãi, quà tặng.
Quản lý và ứng phó khủng hoảng
Khủng hoảng xảy ra có thể do lỗi sản phẩm, trải nghiệm đánh giá không tốt từ khách hàng, chỉ trích từ dư luận,... Lúc này, hoạt động PR triển khai nhằm khôi phục lại hình ảnh thương hiệu, làm dịu tình hình, xây dựng lại niềm tin của khách hàng.
Ví dụ gần đây, tháng 8/2024 khủng hoảng truyền thông tại cửa hàng bánh Tako Senbei tại Omaig xảy ra do bánh khách hàng nhận được không đúng với quảng cáo (do Tiktoker Panda nhận xét). Sau đó, chủ cửa hàng đã xử lý bằng cách lên bài đính chính thông tin, nhận lỗi về cửa hàng, xem xét quy trình và cải thiện sản phẩm đã nhận được sự đồng tình từ dân cư mạng.
Có sự kiện quan trọng
Sự kiện quan trọng có thể là kỷ niệm thành lập thương hiệu, hoạt động PR nhằm tri ân khách hàng, là cơ hội để truyền tải thông điệp tích cực, tạo dấu ấn đáng nhớ đến khách hàng.
Ví dụ, cuối năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, ngân hàng ACB đã thành công tạo dấu ấn trong tâm trí khách hàng nhờ vào màn biểu diễn gây khuấy động mạng xã hội của vị chủ tịch trẻ. Màn biểu diễn thành công tiếp cận đến giới trẻ, giúp PR câu chuyện và thương hiệu ngân hàng 1 cách tự nhiên. Bởi vì khách hàng mà ACB hướng đến là người trẻ, vì thế, sau buổi biểu diễn công chúng cũng bắt đầu thay đổi cái nhìn về ngân hàng, mang đến hình tượng trẻ trung, năng động cho ngân hàng ACB thay vì hình ảnh “nhàm chán”, “nghiêm túc” và có phần “bảo thủ” của ngành tài chính.
Khi các hoạt động marketing/kinh doanh bị chững lại
Khi các hoạt động kinh doanh trở nên bình ổn, các thương hiệu sẽ bắt đầu triển khai hoạt động PR để thị trường trở nên sôi động hơn, lôi kéo sự chú ý từ khách hàng.
Ví dụ, ngành sữa tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bão hoà, vì vậy thị trường có phần ảm đạm, chậm phát triển. Tháng 7/2023, thông qua các thông điệp PR kết hợp với hình ảnh trẻ trung, phong cách khỏe khoắn trong logo mới, Vinamilk mang lại hiệu ứng truyền thông lớn khi tái định vị thương hiệu, nhận sự được nhiều sự chú ý của khách hàng, thành công kết nối cảm xúc với người tiêu dùng.
Vai trò của PR trong Marketing
Xây dựng hình ảnh thương hiệu
Các hoạt động PR nhằm xây dựng hình ảnh tích cực của thương hiệu đối với khách hàng, nâng cao uy tín. Thông qua các chiến dịch PR, thương hiệu sẽ lồng ghép các câu chuyện và truyền tải những thông điệp về giá trị cốt lõi, sứ mệnh, hay những cam kết cộng đồng đến công.
Ví dụ chiến dịch “Vươn Cao Việt Nam” của Vinamilk đã triển khai để kể chuyện về sự đóng góp của thương hiệu trong quá trình cải thiện chế độ dinh dưỡng của trẻ em Việt, ngoài khẳng định chất lượng sản phẩm, còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trước cộng đồng và nhận được nhiều thiện cảm từ công chúng.
Nâng cao độ nhận diện thương hiệu
Các hoạt động PR như sự kiện, thông cáo báo chí, truyền thông xã hội là cơ hội để thương hiệu xuất hiện trong tâm trí của khách hàng, tăng độ nhận diện. Truyền thông xã hội, qua các nền tảng như Facebook và Twitter, tạo cơ hội để khách hàng tương tác trực tiếp với thương hiệu, mở rộng ảnh hưởng thông qua các bài đăng và chia sẻ.
Ví dụ: hiện nay, việc mua hàng online đang chiếm được vị trí khá lớn thì việc khách hàng tiếp xúc với sản phẩm luôn xếp sau những video review hay những bài đánh giá trên internet. Trước khi mua hàng họ sẽ phải tìm hiểu kỹ từ những đánh giá của người mua trước rồi mới đưa ra quyết định vì thế việc PR cho sản phẩm qua những bài viết, đánh giá, so sánh trên TikTok, Google, Facebook,... giúp khách hàng tăng được độ nhận diện sản phẩm. Có thể là qua những ưu điểm nổi bật mà sản phẩm mang lại từ đó thúc đẩy khách hàng đưa ra quyết định mua hàng.
Là cầu nối cảm xúc giữa khách hàng và thương hiệu
Về cơ bản, hoạt động PR thành công chạm đến cảm xúc của khách hàng sẽ là một yếu tố quan trọng giúp thương hiệu giành được vị trí top of mind - sự lựa chọn đầu tiên trong tâm trí người dùng, khiến họ luôn nhớ đến thương hiệu đó đầu tiên và luôn lựa chọn khi có nhu cầu.
Xử lý khủng hoảng, giữ gìn uy tín
Khi sự cố khủng hoảng diễn ra, PR đóng vai trò bảo vệ uy tín của thương hiệu, hỗ trợ kiểm soát, xử lý các thông tin và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu.
Ví dụ, năm 2016, Samsung Galaxy Note 7 gặp sự cố nổ pin, sau đó, hãng đã nhanh chóng thu hồi toàn bộ sản phẩm trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam, gửi lời xin lỗi công khai và chịu trách nhiệm bồi thường với sản phẩm lỗi của mình. Hành động khéo léo quyết liệt này đã giúp samsung giảm được nguy cơ về tổn hại uy tín thương hiệu, giữ gìn hình ảnh thương hiệu sau sự cố đáng tiếc.