10 lý do dẫn đến sự thất bại trong triển khai marketing
1. Không có chiến lược marketing rõ ràng
không có một chiến lược rõ ràng, các hoạt động marketing trở nên rời rạc và mang tính tự phát cao từ đó không thể duy trì được tính nhất quán của các hoạt động marketing.
Marketing hiện nay rất cạnh tranh vậy nên để có thể xây dựng được thương hiệu đòi hỏi doanh nghiệp phải có một chiến lược xuyên suốt và đo lường tối ưu trong dài hạn. Bởi lẽ đó các doanh nghiệp phát triển marketing một cách tự phát sẽ gặp rất nhiều vấn đề chứ chưa nói đến thu được kết quả về thương hiệu hay doanh thu.
2. Kỹ năng lập kế hoạch yếu kém
Dĩ nhiên rồi, bất cứ một công việc nào cũng cần có kế hoạch trong ngắn và dài hạn, các phương án triển khai trong từng giai đoạn cụ thể. Nhưng thực tế hiện nay các doanh nghiệp hay thậm chí là các marketer vẫn không biết cách xây dựng một bản kế hoạch marketing bài bản là như thế nào.
Khi mà kỹ năng lập kế hoạch marketing yếu kém sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề trong quá trình triển khai thực tế.
3. Tầm nhìn ngắn hạn của ban lãnh đạo
Rất nhiều chủ doanh nghiệp vẫn còn tư duy “con buôn”, họ chỉ xây dựng marketing phục vụ mục tiêu bán hàng trong ngắn hạn. Thay vì xây dựng marketing bài bản và bền vững thì họ chỉ muốn chạy theo các chiến dịch quảng cáo trả phí để thu về kết quả trong ngắn hạn.
Hay nhiều người vẫn còn tự duy “tôi bỏ ra 3 đồng cho marketing thì tôi phải thu về được 10đ” - cách suy nghĩ này không hề sai nhưng đó là khi hoạt động marketing đã hoạt động ổn định, doanh nghiệp đã có một chỗ đứng nhất định.
4. Mục tiêu marketing không thực tế
Thiết lập các mục tiêu quá xa rời thực tế có thể gây áp lực và làm mất đi động lực của đội ngũ marketing. Ngoài ra, nó còn gây ra việc đánh giá hiệu quả hoạt động marketing thiếu khách quan.
Có thể chính doanh nghiệp sẽ huỷ hoại đi những hoạt động marketing đang có những tiến triển khả quan.
5. Thiếu kiến thức và chuyên môn về marketing
Marketing vẫn còn khó tiếp cận với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thông tin/kiến thức marketing thì tràn lan mà không cung cấp một cách trực tiếp và thực tế về marketing. Từ những điều đó dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu kiến thức chuyên môn cơ bản về marketing để có thể triển khai một cách hiệu quả và thực tế.
6. Đặt nặng các yếu tố lý thuyết
Nếu tìm kiếm các thông tin về hướng dẫn triển khai marketing đều hướng người dùng đến các lý thuyết hoa mỹ thiếu thực tế như marketing 4p, marketing 7p, phân tích swot để xây dựng kế hoạch marketing. Và thực tế rất nhiều marketer vẫn thần thánh hoá các lý thuyết này lên mà quên đi hoạt động marketing muốn thu được kết quả phải là sự phù hợp/linh hoạt với thực tế doanh nghiệp. Tất cả các lý thuyết chỉ mang tính tham khảo và nó cũng không phục vụ được phần đông doanh nghiệp.
7. Áp dụng các quy trình rập khuôn
Làm marketing đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo nhất định, việc áp dụng các quy trình rập khuôn như các phòng ban khác có thể triệt tiêu đi năng suất lao động của các nhân sự marketing của doanh nghiệp.
Điều này không chỉ đúng với hoạt động marketing mà còn đối với các hoạt động khác của doanh nghiệp.
Quy trình suy cho cùng cũng được xây dựng từ quá trình làm việc thực tế của mỗi bộ phận, mỗi doanh nghiệp khác nhau.
8. Lựa chọn và phân bổ nguồn lực không hợp lý
Nguồn lực, tiềm lực của doanh nghiệp đều có hạn, việc phân bổ chúng đúng lúc đúng chỗ mới đảm bảo được tính hiệu quả. Tuỳ vào giai đoạn thì doanh nghiệp nên phân bổ nguồn lực vào các hoạt động khác nhau.
Nghe có vẻ rất chung chung nhưng có thể lấy ví dụ như trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp nên tập trung nguồn lực vào việc xây dựng hệ thống marketing (kênh marketing, nội dung marketing) một cách cơ bản nhất để làm tiền đề cho các hoạt động, các chiến dịch marketing sau này.
9. Lựa chọn và đầu tư không hợp lý vào các kênh marketing
Hiện nay doanh nghiệp có rất nhiều kênh marketing để lựa chọn triển khai. Doanh nghiệp có thể lựa chọn 1 hoặc một vài kênh để triển khai tùy theo tình hình thực tế. Nhưng các kênh marketing được lựa chọn phải đảm bảo tính hợp lý và thực tế.
Có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư kênh marketing rất tự phát và cảm tính. Có thể lấy ví dụ như 1 doanh nghiệp ngành thời trang có thể không cần đặt nặng việc xây dựng một website quá chuyên nghiệp trong thời gian đầu, điều mà họ cần làm là xây dựng hệ thống social lớn mạnh.
10. Không đầu tư vào nội dung marketing bền vững
Chạy theo các nội dung marketing số đông hay “bắt chước” người khác sẽ không tạo ra giá trị bền vững cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ luôn rơi vào tình trạng chạy theo người khác mà không thu được nhiều kết quả.
Tập trung vào các nội dung chất lượng, hữu ích là một cách tốt nhất để duy trì và phát triển hoạt động marketing hiệu quả.